Tái hiện hình ảnh nam nữ thân mật trong phim “Vợ chồng A Phủ”: Liệu có đúng với văn hóa Mông?

Vợ chồng A Phủ, nguyên tác truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài kể về sự thống khổ của những thân phận nhỏ bé, nghèo khổ giữa ách đô hộ của xã hội cũ dưới thời thực dân Pháp. Đó là một nhân vật Mỵ phải thành người trả nợ cho bố mẹ và bị bắt ép làm vợ con nhà giàu (A Sử, con trai thống lý Pá Tra là chồng của Mỵ). Và đó là A Phủ, một nhân vật mồ côi, không thân thích - kiểu nhân vật điển hình trong văn hóa dân gian người Mông [theo Nguyễn Mạnh Tiến, người Mông có hẳn một trường ca để hát về những thân phận mồ côi, thứ mà tác giả này gọi là “ám ảnh mồ côi” trong quyển sách “Những đỉnh núi du ca: Một lối tìm về cá tính H’mông” của mình]. Những nhân vật này, sống ở cộng đồng người Mông thuộc khu vực địa lý Phù Yên, Sơn La nói riêng và người Mông Tây Bắc nói chung.

Ở Vợ chồng A Phủ 1961, việc xây dựng bối cảnh chơi hội Tết của trai gái quá lẳng lơ và có phần gợi tình. Các nhân vật nam nữ xuất hiện trong bối cảnh này đi theo đôi, nắm tay, ngồi chơi tình tứ cạnh nhau giữa bãi đất làm hội - một không gian rất công cộng, điều mà, trong văn hóa người Mông ở bối cảnh của tác phẩm là hiếm gặp.



Sự ra đời của hội Tết

Theo truyện cổ dân gian người Mông, xưa do mật độ dân cư thưa thấp, và do thói quen định cư theo dòng họ, có khi cả một dãy núi chỉ có một dòng họ người Mông định cư. Mà người Mông vốn dĩ không cho kết hôn cùng dòng họ, do đó, cơ hội để nam nữ gặp nhau là rất ít. Bởi vậy, Yaj Saub Siv Yis, ông tổ của tín ngưỡng truyền thống hay là ông tổ thầy cúng của người Mông cũng chính là người đã nghĩ ra hội chơi Tết, để tăng cơ hội nam nữ đến để gặp nhau, có cơ hội giao lưu, làm quen, tìm hiểu nhau trước khi kết hôn.

Ý nghĩa của trò chơi ném pao

Theo tâm lý thông thường, những người nam nữ lạ mặt lần đầu gặp nhau ở hội Tết sẽ rất e thẹn để có thể bắt chuyện. Dần dà, những cô gái người Mông đã chuẩn bị cho mình những quả cầu được làm bằng vải vụn trong quá trình may vá thêu thùa bộ đồ mới để chơi hội. Quả cầu này được làm sao cho vừa tay nắm của chủ nhân - là những cô gái trẻ. Vừa thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của những cô gái trẻ, vừa là vật sở hữu của cô để có thể qua đó gửi gắm cảm tình với người cô yêu. Ở hội Tết, những cô gái trẻ người Mông sẽ đứng thành từng nhóm nhỏ, chờ các chàng trai đi qua, họ sẽ lựa người mình thích, có cảm tình để ném quả pao về phía đó, và nhờ người đó nhặt quả pao trả lại. Đó chính là khởi đầu của câu chuyện tình yêu.

Như vậy, ném pao ở hội Tết là trò chơi để phá băng khoảng cách xã hội của nam nữ người Mông, qua đó kết nối họ lại với nhau thông qua những lần ném qua ném lại, đồng thời trao đổi thông tin về tên, dòng họ, tuổi, tính cách, sở thích,...

Tuy nhiên, cần làm rõ ràng, để có thể chơi ném pao, giữa nam nữ phải đứng ở một khoảng cách nhất định. Do đó, quả pao và trò ném pao vừa là hiện thân của những phụ nữ chưa chồng, còn chơi hội để tìm kiếm bạn đời. Nhưng đồng thời, cũng để khẳng định, những cô gái trẻ là những người có lòng tự trọng, biết giữ khoảng cách với nam giới.


Không gian hẹn hò ở hội Tết

Thông qua trò chơi ném pao, những chàng trai cô gái yêu mến nhau có thể dần tìm hiểu thông tin cá nhân, đặc biệt là bằng mọi cách, chàng trai phải biết được địa chỉ nhà của cô gái. Bởi đó chính là nơi mà chàng trai sẽ tìm đến để gặp cô gái vào những buổi tối. Ở không gian công khai như hội Tết những nam nữ sẽ hạn chế việc thể hiện tình cảm quá thân mật. Và giữ không gian hẹn hò riêng tư vào buổi tối.

Trong nguyên tác truyện ngắn của Tô Hoài, không gian hội Tết mùa xuân cũng rất tình tự, tiếng khèn tiếng sáo cả ngày, có trai gái hò hẹn thì diễn ra vào buổi tối. Những miêu tả đó, có phần hợp tình hợp lý hơn với bối cảnh văn hóa Mông thay vì những gì được tái hiện trong bản phim chuyển thể. Như vậy, có thể do những nhà làm phim Vợ chồng A Phủ 1961 đã chưa đủ hiểu sâu văn hóa Mông mà xây dựng bối cảnh hội Tết bị sai lệch như vậy.

Hội Tết được tái hiện như nào trong điện ảnh người Mông

Hội Tết như đã giới thiệu ở trên, là một trong những sự kiện cộng đồng quan trọng nhất của người Mông, là một điều không thể thiếu trong các điện ảnh của người Mông. Từ những bộ phim sớm nhất, làm về những nhân vật cổ tích như Nuj nplhaib thiab ntxawm cho tới những bộ phim về những nhân vật của thời hiện đại như Ib Leeg Tub. Tất cả những cảnh phim này, hội Tết của người Mông đều được tái hiện với khoảng cách giữa nhóm nam và nhóm nữ là rõ ràng, các trò chơi chung như ném pao sẽ diễn ra. Và, việc hẹn hò, thể hiện tình cảm sẽ diễn ra ở không gian riêng tư hơn (ví dụ như nhà của bạn gái chẳng hạn).

Kể cả trong trường hợp nhân vật nam và nữ đã có tình cảm rất sâu đậm từ trước khi đến hội Tết, họ chỉ thể hiện ở không gian cá nhân, còn ở hội Tết, họ phải giữ một khoảng cách rất rõ ràng, như nhân vật nữ Nkauj Ntxawm chỉ dám nhờ bạn thân đưa cho Nuj Nplhaib tấm khăn tay để anh tự lau mồ hôi mà còn tỏ ra ngượng ngùng (phút 33-33:50 ở link này: https://www.youtube.com/watch?v=J3wz6pw_XDA&t=1192s ). Điều này, thể hiện đúng hơn những gì thường diễn ra ở hội Tết người Mông hơn.

Previous
Previous

Bộ Y tế đưa ra ý kiến nhằm chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới

Next
Next

Sáng tạo đa văn hóa - chiếm dụng hay tiếp dụng?