Đồng sáng tác: sự va chạm và trân trọng chủ thể giữa nghệ sĩ và cộng đồng

Toàn cầu hoá và sự giao thoa văn hoá ngày nay cho phép sự sáng tạo nảy sinh giữa các cộng đồng một cách rộng lớn. Trong lĩnh vực thiết kế và sáng tác nghệ thuật, các sản phẩm sáng tạo thường được truyền cảm hứng và vay mượn từ các yếu tố văn hoá của các tộc người thiểu số. Tuy nhiên, nhiều tri thức của các tộc người thiểu số thường do người đa số mô tả và diễn giải lại; những sản phẩm nghệ thuật về chủ đề dân tộc thiểu số là của nghệ sĩ làm và nói về người dân tộc thiểu số. Vai trò của chuyên gia (nhà thiết kế, nghệ sĩ) chủ yếu là người ngoài cộng đồng, thường được đề cao hơn cộng đồng mà họ làm việc cùng. Bởi vậy, cộng đồng ít có cơ hội phản biện và nói về mình, hầu như có kết nối với sản phẩm cuối cùng, cũng như khả năng hưởng lợi từ thành quả sáng tạo của mình. 

Ý thức được tính tự chủ của cộng đồng trong sáng tác nghệ thuật và đồng thời hiểu rõ vai trò thiết yếu của giới nghệ sĩ, trong hơn một thập kỷ đồng hành cùng các cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam, Viện iSEE đã thực hiện nhiều thử nghiệm và nỗ lực về sáng tạo nghệ thuật và tôn vinh các giá trị về đa dạng văn hoá cùng các cộng đồng. Chúng tôi muốn chia sẻ về phương thức “Đồng sáng tác” - một phương thức tạo điều kiện cho những cân nhắc ấy được vận hành trên thực tế, mở ra những không gian để cộng đồng tự chủ trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật. 

Một cách làm khác

Một số ví dụ tiêu biểu sử dụng phương thức này là các dự án Cụng - Đụng - Chạm (2017), Triển lãm Tôi tin tôi có thể (2019, 2020) do Viện iSEE phối hợp thực hiện với các thành viên Mạng lưới Tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số Việt Nam. 

Đồng sáng tác bắt nguồn từ ý tưởng “cộng đồng là người tạo tiếng, nghệ sĩ là người tạo hình”. Chương trình đã đưa các nhóm “tạo hình” – những cá nhân, nghệ sĩ quan tâm tới đa dạng văn hóa cùng về sinh sống, lưu trú và hít thở chung bầu không khí, trao đổi những câu chuyện, góc nhìn với các nhóm “tạo tiếng” – thành viên của Mạng lưới Tiên phong. Chữ ‘đồng' được nhấn mạnh về sự cùng nhau giữa các chủ thể trong toàn bộ tiến trình. 

Trước khi có sự ‘chạm’ giữa các nghệ sỹ lưu trú và cộng đồng tại chỗ, dự án đã dành thời gian chuẩn bị cho các nghệ sỹ kiến thức về đa dạng văn hoá, trò chuyện ban đầu cùng cộng đồng. Bời ngay từ đầu, tiêu chí quan trọng nhất đặt vào sự kết nối của cộng đồng với sản phẩm từ quá trình sáng tác tới không gian trình diễn cuối cùng, cộng đồng nói lên điều họ muốn nói, và thể hiện điều đó theo các cách khác nhau. 

Để thực hiện tác phẩm Vùng đất của lựa chọn (nhóm nghệ sĩ và cộng đồng người Thái di cư tại Đắk R’Măng), cộng đồng đã kể cho các nghệ sĩ về mình, về hiện thực đan xen giữa truyền thống và hiện tại, giữa quê hương và nơi chốn họ đang nương náu, thấy những đứt gãy văn hoá ở thế hệ con cháu. Quá trình tạo nên vở diễn rối, là một hình thức khác của việc bà kể lại cho các cháu về đám cưới truyền thống tại quê hương (Thanh Hóa), bố kể cho con nghe về nhà sàn người Thái ở quê như nào, có bao nhiêu cái cột, v.v

Đối với anh Linh Rab, hoạ sĩ truyện tranh, người đã cùng các em học sinh người Mông ở Mù Cang Chải vẽ lại câu chuyện cổ tích người Mông chia sẻ: “ Trước khi làm việc cùng cộng đồng, anh được trang bị những kiến thức về đa dạng văn hoá, văn hoá không cái nào cao hơn và thấp hơn. Trước đây anh chưa từng biết tới những điều này. Với anh, nghệ sĩ nên được trang bị những kiến thức nhân học bởi nó không chỉ tốt hơn cho sản phẩm của nghệ sĩ mà còn cho mình một lối ứng xử khác đối với giá trị văn hoá bản địa, đối với cộng đồng mà mình làm việc cùng. 

Trong quá trình “cụng, đụng, chạm” về văn hóa này, các quan điểm sống, niềm tin đã va chạm với nhau và từ đó dẫn đến sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật nói rõ tiếng nói của người trong cuộc. 

Điều đáng nói là, sự sắp đặt của phần lớn các tác phẩm được quyết định bởi cộng đồng, họ có thể là ‘đồng' đạo diễn, hoặc ‘đồng' diễn xuất, ‘đồng’ lên kịch bản. 

Hà Đào chọn lựa kỹ thuật lightbox cho bộ tranh về vườn dược liệu tại Sapa. Mọi sắp đặt còn lại đều do bà con lên ý tưởng và tự tạo hình. Tính ‘kịch' trong những bức ảnh thể hiện rõ sự thoải mái phóng tác và tự do thể hiện, điều khó thấy trong nhiều hình chụp cộng đồng dân tộc thiểu số. 

Tính chủ thể trong sáng tác của cộng đồng cũng được thể hiện qua sự tham gia của họ tới không gian cuối cùng của sản phẩm mà ở đây là sân khấu trình diễn “Cụng, Đụng, Chạm" và triển lãm trong chương trình Tôi tin tôi có thể tại Hà Nội. Anh Minh Giang, cán bộ dự án chia sẻ “Việc nghệ sĩ làm việc với bà con cộng đồng DTTS để  lấy nguồn cảm hứng là không mới. Nhưng trong phần lớn các dự án nghệ thuật, cộng đồng-  những người liên quan nhất, hoàn toàn là một phần trong tác phẩm nhưng lại không có kết nối tới sản phẩm cuối cùng.” Chia sẻ của Khang A Tủa, thành viên của nhóm “tạo tiếng" trong quá trình làm việc với nghệ sĩ Linh Rab đã thể hiện ra sự kết nối chặt chẽ này trong dự án: “Bố tôi và các bạn học sinh tham gia quá trình kể chuyện và vẽ tranh cổ tích người Mông đều có mặt chia sẻ tại triển lãm ở Hà Nội. Có rất nhiều dự án khác cộng đồng là người tham gia, cung cấp câu chuyện nhưng họ hoàn toàn không biết mục đích sử dụng câu chuyện để làm gì, sẽ được trình bày như thế nào, ai sẽ đọc nó. Việc tham dự vào không gian cuối cùng của tác phẩm rất quan trọng đối với cộng đồng bởi khi ấy chúng tôi hiểu được sản phẩm của mình cuối cùng sẽ được trình bày ra sao, dùng vào mục đích gì, lan tỏa tới những ai, khán giả có cảm nhận như thế nào và vì sao lại quan tâm tới những sản phẩm ấy. Bố tôi chia sẻ rằng ông hoàn toàn bất ngờ khi có rất nhiều người tới lắng nghe câu chuyện cổ tích mà ông kể vì ông nghĩ người trẻ giờ đây không còn quan tâm tới các câu chuyện này nữa. Ông cảm thấy vừa run khi chia sẻ trước đám đông, nhưng cũng vừa tự hào vì mình không ngờ những câu chuyện của mình lại mang lại một ý nghĩa, giá trị nào đó tới người nghe.”. 

Kết thúc dự án, khi ngân sách không còn chi trả thêm bất cứ khoản tiền nào, các nghệ sĩ và cộng đồng vẫn tiếp tục những trao đổi đời thường và hợp tác cùng nhau. Nhà làm phim Hà Lệ Diễm thân mật gọi anh Má A Pho là bố nuôi. Cô sắp ra mắt bộ phim làm về gia đình anh trong suốt 4 năm qua. Khang A Tủa vẫn tiếp tục làm việc cùng nghệ sỹ truyện tranh Linh Rab trong các dự án xã hội sau này của chính Tủa. 

Học được gì sau tiến trình? 

Quá trình đồng sáng tạo giữa nghệ sĩ và cộng đồng đã đem lại nhiều bài học về ý nghĩa của việc thấu hiểu những giá trị văn hoá và những điều kiện giúp thúc đẩy thực hành này.  Ở đây, đó chính là việc mở ra không gian, tăng tính kết nối, và chuẩn bị tâm thế cho cả cộng đồng và nghệ sĩ trước khi “va chạm", ứng xử với sự “khác" từ nhau. 

Người nghệ sĩ trước khi đặt mình vào một đời sống khác, một nền văn hoá khác cần được trang bị những kiến thức về giá trị văn hoá nhất định. Điều này sẽ giúp nghệ sĩ có tâm thế mở, cởi trói được những định kiến sẵn có để bước vào khám phá ý nghĩa đằng sau của các hành văn hoá một cách cẩn trọng và ý thức tính chủ thể của cộng đồng trong quá trình đồng sáng tác. 

Tạo ra khoảng không cho cộng đồng DTTS và nghệ sĩ thực sự va chạm và lung lay là điều kiện quan trọng giúp nuôi dưỡng những khả thể sáng tạo mà bản thân nghệ sĩ hay cộng đồng không thể hình dung trước. Câu chuyện các em dân tộc Thái là người lựa chọn tìm hiểu về đám cưới dân tộc mình và thể hiện qua hình thức kịch rối đã hé lộ đằng sau đó câu chuyện di cư nhiều đau thương của người Thái. Chính khoảng lắc này là cơ hội để mỗi tác phẩm nghệ thuật nói lên những hiện thực phức tạp, đa chiều mà không chỉ dừng lại việc phô diễn nét đẹp văn hoá một chiều như lối suy nghĩ thông thường.

Sự kết nối của cộng đồng với tác phẩm không chỉ trong quá trình đồng sáng tác mà tới không gian cuối cùng là thực hành cần thiết thể hiện tính chủ thể của cộng đồng đối với tác phẩm của mình. Các cộng đồng đã có mặt thể hiện tác phẩm trong “sân khấu trình diễn" trong triển lãm tại Hà Nội, đưa tiếng nói tri thức về dân tộc mình tới khán giả phổ thông và nhìn thấy sức ảnh hưởng của tác phẩm đối với công chúng. Điều này đã thể hiện tính chủ thể cao và vị thể cân bằng của cộng đồng đối với nghệ sỹ -những người thường được đánh giá cao hơn trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật. 

“Triển lãm nhóm “Cụng, Đụng, Chạm” đã cho thấy rằng “văn hóa” luôn là số nhiều, luôn đa dạng và biến chuyển. Thay vì đem ra so sánh, việc quan sát văn hoá ở nhiều chiều và thực sự thấu hiểu những giá trị của thực hành đó trong đời sống hàng ngày của người dân bản địa mới giúp chúng ta khám phá ra những giá trị, ý nghĩa quan trọng. Nhờ vậy quá trình sáng tạo mới không chỉ dừng lại ở việc lấy cảm hứng, vay mượn, chắp vá hay khai thác văn hoá một chiều từ cộng đồng, mà xa hơn, nó là việc đưa cả nền tri thức bản địa phía sau, những ý nghĩa và đặc tính của mỗi giá trị văn hoá vào trong các sản phẩm của các người làm sáng tạo. Điều này sẽ không chỉ giúp những thiết kế mang tính thẩm mỹ cao mà còn tạo ra công năng phù hợp với người dùng, đem lại ý nghĩa đối với người sử dụng và cả cộng đồng đã cùng tạo nên nó ở phía sau. 

Chặng đường trải qua không phải không có những khó khăn và thách thức, nhưng sự chia sẻ chung về niềm tin và giá trị của việc cùng làm, cùng học đã luôn giúp cộng đồng các tộc người thiểu số, những người nghệ sĩ, và nhóm chương trình iSEE đi cùng nhau một chặng đường nhiều ý nghĩa. Hy vọng niềm tin và giá trị về văn hoá, sự kết nối và tính tự chủ sẽ trong sáng tác nghệ thuật cùng cộng đồng sẽ được chia sẻ, trân trọng và lan tỏa. 

---------

Cảm ơn anh Trương Minh Giang - cán bộ dự án “Cụng, Đụng, Chạm” tại viện iSEE, hoạ sĩ truyện tranh Linh Rab và anh Tuam Khaab (Khang A Tủa) trong hoạt động kể chuyện cổ tích người Mông tại Yên Bái, đã tham gia cuộc phỏng vấn với iSEE để giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này. 

Previous
Previous

Ngày nhận thức về người Liên giới tính (Intersex Awareness Day)

Next
Next

Chiếm dụng văn hóa: Học được gì từ câu chuyện Biti’s?