Dòng chảy phù sa - Mạch ngầm phát triển: Khi phát triển là những câu hỏi

Hành trình 5 năm của Tôi Tin Tôi Có Thể là 5 năm Mạng lưới Tiên phong Việt Nam và Viện iSEE theo dòng những chủ đề ý nghĩa. Tôi Tin Tôi Có Thể 2021 mang đến ấn tượng mạnh mẽ cho người tham gia, người xem và những người quan tâm ngay từ cái tên đầy tính gợi mở mà chẳng kém phần gần gũi, thân thương: "DÒNG CHẢY PHÙ SA – MẠCH NGẦM PHÁT TRIỂN". Dòng sông là hình ảnh vừa gợi nhớ đến một hành trình, vừa mở ra những ý niệm về sự kết nối và đồng thời là thái độ sống và cách ứng xử với người khác. 

Tôi Tin Tôi Có Thể 2021 đánh dấu một mốc đặc biệt bởi đây là chương trình đầu tiên do Mạng Lưới Tiên Phong tổ chức bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Khoảng cách địa lý không những chia tách mà càng thể hiện tinh thần gắn kết và sự cộng tác ăn ý của các thành viên Tiên Phong từ mọi miền đất nước. Tinh thần ấy đã được truyền tải ngay từ đầu chương trình qua tiết mục biểu diễn nhạc truyền thống của các thành viên Tiên Phong người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Chất liệu nghệ thuật được nhóm Tiên Phong Ninh Thuận lựa chọn vốn được dùng trong các dịp lễ của người Chăm như một phương thức để kết nối với tổ tiên, cõi thiêng, những người có công với cộng đồng. Sự khéo léo trong việc truyền tải thông điệp về vẻ đẹp của sự kết nối giữa các thế hệ và truyền thống dân tộc của nhóm Tiên Phong Ninh Thuận tựa như báo hiệu cho bầu không khí gắn kết, hài hoà nhưng cũng không kém phần sôi nổi xuyên suốt toàn bộ buổi toạ đàm.

Thay mặt Đại sứ quán Ireland, tổ chức đồng hành, hỗ trợ Tiên Phong và Viện iSEE trong suốt 4 năm qua, bà Lisa Doherty - Phó Ban Phát triển Đại Sứ quán Ireland - đã có đôi lời phát biểu: “Đại sứ quán Ireland có mối quan hệ rất bền chặt với các cộng đồng tộc người thiểu số tại Việt Nam, qua nhiều năm làm việc cùng Tiên Phong và các đối tác khác, thông qua các hoạt động hỗ trợ sự phát triển và lớn mạnh của các cộng đồng này. Chính vì vậy, chúng tôi rất tự hào được hỗ trợ cho sự kiện Tôi tin tôi có thể - một sự kiện quan trọng hàng năm của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Bằng cách mang mọi người tới gần nhau hơn, chuỗi sự kiện của Tiên Phong đã mang đến niềm tự hào về di sản, văn hoá, đồng thời khiến mỗi người chúng ta nhận ra giá trị của sự đa dạng văn hoá. Tôi cũng rất vui khi nghe đến 6 buổi trình diễn Bản hoà ca đa sắc của 6 nhóm dân tộc khác nhau ở các địa phương. Chúng tôi mong rằng nhờ hiệu quả online của sự kiện này, những giá trị về đa dạng văn hoá sẽ được hiểu và chia sẻ nhiều hơn trong xã hội, mọi thành viên trong xã hội đều hiểu được giá trị giàu có của mỗi tộc người, từ đó chung tay gìn giữ những giá trị đó. Những người nước ngoài tới thăm Việt Nam cũng chỉ muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp đa màu sắc và giàu có trong bản sắc đó”. 

Đi qua những “Cuộc gặp của những diễn ngôn” và “Khoảnh khắc đạo đức”, Tôi Tin Tôi Có Thể năm nay tập trung vào chủ đề phát triển. "DÒNG CHẢY PHÙ SA – MẠCH NGẦM PHÁT TRIỂN" là không gian Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam mang đến để các câu chuyện thực tế xoay quanh phát triển và ảnh hưởng của chúng ở từng cộng đồng, những suy tư về phát triển ở các địa phương được cất tiếng và lắng nghe. 

Cũng giống như chỉ trên cùng một dòng sông đã có những khúc, những đoạn với biên độ và tốc độ chảy của dòng nước khác nhau, quan niệm về phát triển ở các dân tộc cũng rất đa dạng, vừa có điểm gặp gỡ mà cũng mang chứa nhiều quan niệm khác biệt. Từ “phát triển” trong ngôn ngữ của mỗi dân tộc có một cách gọi khác nhau, đằng sau những cách gọi đó là những hàm nghĩa, giá trị, thể hiện những mong muốn khác nhau của các cộng đồng đó. 

Anh Tòng Văn Hân, người dân tộc Thái, thành viên nhóm Tiên Phong Điện Biên mang đến chia sẻ thú vị rằng người Thái không có một từ chung để nói về phát triển mà tuỳ theo từng sự vật, hiện tượng mà có từ riêng để nói về. Ví dụ nói về chăn nuôi, phát triển thì có từ trong tiếng Việt có nghĩa là sinh sôi, miêu tả về sự phát triển của cây cối thì sử dụng từ có nghĩa là cao to; nói rằng một cá nhân phát triển thì người Thái có từ dịch ra tiếng Việt là lớn mạnh, giỏi giang, trở thành người tốt trong cộng đồng; cả cộng đồng phát triển trong quan niệm của người Thái là bản làng giàu có, ăn sạch ở lành (ăn sạch có nghĩa là không phải đi vay đi mượn để ăn, ở lành là không bị các tác động xấu quấy rầy cuộc sống).

Không chỉ phân tích từ góc độ ngôn ngữ, các câu chuyện thực tế ở cộng đồng của các khách mời mang đến càng đẩy sâu, đẩy xa hơn nữa những suy tư về phát triển, về những cái vẫn được coi là tốt, là hiệu quả, năng suất. Phát triển là gì, phát triển cho ai có lẽ chỉ là hai trong những câu hỏi khiến chúng ta phải giật mình nghĩ lại sau khi lắng nghe câu chuyện về phát triển tâm linh ở xã Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An của chị Sầm Thị Nguyệt, người dân tộc Thái, thành viên nhóm Tiên Phong. Khi ngôi đền thờ một vị anh hùng của người Thái ở nơi đây được các doanh nghiệp biết đến và bắt đầu không chỉ phục dựng, tu sửa mà còn đầu tư vào đường xá ở khu vực xung quanh, cũng là lúc nó cũng chứng kiến sự tràn đến của những thực hành tâm linh của người Kinh mà trước đây vốn dĩ là xa lạ như thờ cúng vào mùng Một và rằm hàng tháng, hay việc nhiều người đến thờ cúng vị nữ anh hùng vì mục đích cá nhân dù ban đầu đền thờ được lập ra chỉ để con cháu đời sau biết đến và ghi nhớ công ơn của bà.

Đường xá, cầu cống thuận lợi và khang trang hơn, nhưng không gian thiêng của dân tộc Thái diễn ra các thực hành tâm linh của một dân tộc khác, đồng thời người dân ở nơi khác có thể có cách hiểu sai về nhân vật được thờ cúng, câu chuyện đằng sau vị anh hùng có công lớn ở mảnh đất này. Liệu trong câu chuyện này, cộng đồng người Thái ở xã Quỳ Hợp được nhiều hơn hay mất nhiều hơn? Liệu khi phải lựa chọn, người ta sẽ chọn lựa những giá trị tức thì, có thể nhìn thấy ngay trước mắt hay những giá trị không hiện hữu dưới dạng vật chất mà nằm thẳm sâu trong văn hoá của dân tộc mình? Nếu đã đưa ra lựa chọn, vậy trong tương lai chúng ta có tránh được việc truy vấn và phản tư về quyết định của mình hay không?

Câu chuyện của chị Nguyệt chất chứa đầy những quan sát và suy tư cá nhân nhưng không hề đơn nhất và hiếm gặp. Qua lời kể của anh Sohaniim, người Chăm tại Ninh Thuận và đồng thời là thành viên Ban Điều hành Mạng lưới Tiên phong Việt Nam, mảnh đất quê hương anh đang trên đà phát triển mạnh mẽ về du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh với sự tập trung vào cộng đồng Chăm vì người Chăm có nhiều đền tháp, lễ hội, lễ tục quanh năm. Người Chăm quan niệm đất đai được thần linh bảo hộ nên khu vực đền tháp là nơi rất linh thiêng. Tháp Chăm trước đây mỗi năm chỉ mở cửa theo định kỳ vào các dịp lễ tục, nhưng khi được đưa thành một địa điểm du lịch thì tháp liên tục phải mở cửa để đón khách tham quan. Đi kèm với đó tất yếu là sự thay đổi của các thực hành văn hoá trong khu vực đền tháp. Tín ngưỡng nói riêng hay các giá trị văn hoá nói chung là những thứ khó đo đếm, đo lường được nhưng một khi bị chiếm đoạt thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, về lâu về dài cho một cộng đồng.

Nhìn từ góc độ nhân quyền, các cộng đồng người đều có quyền tự do thực hành văn hoá theo tín ngưỡng của mình, nhưng cần phải xét thêm yếu tố quyền lực của các bên trong câu chuyện của chị Nguyệt hay anh Sohaniim. Theo chị Nghiêm Hoa, Điều phối viên Không gian nhân quyền (HRS), trong những tình huống có sự va chạm ấy, vai trò của những bên ở giữa, những chiếc “cầu nối” giúp thương thoả là rất quan trọng. Bên trung gian cần đến khả năng lắng nghe và hành động với sự tinh tế, cẩn trọng. Chị Hoa đồng thời nhấn mạnh vào khả năng nói “Không” của các cộng đồng, hay nói cách khác là việc cất tiếng nói để bày tỏ sự không đồng tình, để từ đó niềm tin và văn hoá của mình được tôn trọng. 

Các diễn ngôn về phát triển gắn với kinh tế càng trở nên thống soát trong xã hội thì trên thực tế, nó lại càng phức tạp và nhiều khi tồn tại đầy những mâu thuẫn. Đó là sự hồi tưởng lại giây phút hoảng hốt thức dậy trong tiếng gọi chạy lũ của con mình lúc nửa đêm vào năm 2018 của chị Phạm Thị Sơn, người dân tộc Mường sống gần khu vực thuỷ điện ở Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá. Đó là sự mông lung của chị Trương Thị Thuỷ, thành viên nhóm Tiên Phong Thanh Hoá khi chứng kiến hai xã dù ở sát cạnh nhau nhưng sau cơn lũ, một xã bị bồi đất quá cao, đất ở xã còn lại lại bị xoáy sâu vô cùng, những khu đất trước đây nổi tiếng là trù phú, phì nhiêu thì giờ đây chứng kiến những cây mía cao ngang đầu người bị ngập sâu trong nước. Đó là câu bông đùa chua chát chất chứa đầy âu lo của người dân sống gần khu vực sản xuất điện mặt trời ở Ninh Thuận rằng trời mưa đi đường không nên cầm điện thoại vì sẽ bị “ông trời chụp hình”. 

Khi phát triển gắn với năng lượng thì trên thực tế, những câu chuyện xoay quanh sản xuất năng lượng cũng đặt ra những thách thức với các cộng đồng tại các địa phương khi từ cách bố trí, sắp đặt dự án cho đến sự tính toán, cung cấp thông tin trước cho người dân đều tác động sâu sắc đến sinh kế và môi trường sống của họ. Những lo âu, mông lung, sợ hãi ấy theo như chuyên gia về biến đổi khí hậu Koos Neefjes nên trở thành động lực thúc đẩy cho sự chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, quan điểm, đề xuất sáng kiến của người dân cho những dự án có ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của họ. Song hành cùng việc nói với tinh thần xây dựng, chị Nghiêm Hoa một lần nữa nhấn mạnh vào việc người dân cần được cung cấp đầy đủ thông tin và có cơ chế lắng nghe hợp lý, những không gian an toàn cho sự cất tiếng và đóng góp. 

Ở buổi toạ đàm, những người trẻ thuộc các dân tộc thiểu số cũng trực tiếp hay gián tiếp bày tỏ những suy tư đầy sâu sắc về vấn đề phát triển của dân tộc mình. Khi các bạn trẻ dân tộc Tày qua sự tái hiện của chị Nguyễn Điềm, dân tộc Tày, thành viên Tiên Phong Thái Nguyên rời khỏi không gian sống quen thuộc của mình và đến một môi trường rộng lớn hơn, nhiều bạn phải đối diện với những hiểu lầm, định kiến, kỳ thị liên quan tới dân tộc mình. Tiếng nói hay thói quen đi lại, những điều vốn gắn bó thiết thân với các bạn từ nhỏ giờ đây trở thành thứ khiến các bạn bị dán những cái nhãn xấu xí. Với chị Điềm, phát triển phải gắn với sự hài hoà, công bằng, không kì thị với tất cả mọi người.

Anh Giàng A Bê, nhóm Tiên Phong Yên bái, người dân tộc Mông mang đến những trăn trở trong thế lưỡng nan giữa việc giữ gìn hay thay đổi các thực hành văn hoá của dân tộc mình. Nếu muốn giữ gìn thì phải làm thế nào để thúc đẩy người trẻ vốn không mặn mà với những thứ “học không ra tiền được” tham gia vào tiến trình đó? Nếu thay đổi thì mình liệu có đủ thẩm quyền để thay đổi được hay không? Và một thực hành văn hoá như thực hành kéo vợ sẽ phải thay đổi thế nào trong khi sự “biến tướng” của nó xảy đến từ nhiều yếu tố khác nhau trong xã hội? 

Bàn về phát triển để rốt cục thấy rằng, như chị Nghiêm Hoa chia sẻ, “phát triển gắn với quá trình chúng ta tự khẳng định bản thân mình như một cá nhân hay một cộng đồng, việc chúng ta tự định vị và quyết định được giá trị của bản thân. Trong cùng một cộng đồng, gia đình, cùng một thế hệ cũng đã có nhiều cách nghĩ khác nhau về phát triển. Vẻ đẹp của phát triển là việc nhiều quan điểm khác nhau hoà hợp, hài hoà với nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau.” Bên cạnh đó, xuyên suốt buổi toạ đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương cũng nhấn mạnh sẽ không có gì thay đổi chừng nào chúng ta vẫn quay cuồng và mắc kẹt trong các diễn ngôn có tính bá quyền, đang thống soát về phát triển trong xã hội hiện nay.

Chính những trăn trở, suy tư còn bỏ ngỏ ấy là thứ khiến đến những giây phút cuối cùng của buổi toạ đàm, cả khán phòng nơi tổ chức trực tiếp và không gian phát sóng trực tuyến chương trình vẫn nóng hổi bởi những câu hỏi, băn khoăn, những mong muốn thảo luận tiếp tục được mở ra và thúc đẩy. Những câu chuyện hay luận bàn có lẽ chưa thể đem đến những câu trả lời xác đáng, nhưng chúng như chất phù sa giúp nuôi dưỡng những suy tư, ấp ủ những mầm xanh hy vọng để cất tiếng và hành động trong tương lai.








Previous
Previous

Tiên Phong là mẫu mực về một tầm nhìn phát triển từ cộng đồng, của cộng đồng và cho cộng đồng

Next
Next

Góp ý xây dựng chính sách chương trình Mục tiêu quốc gia: Tiếng nói từ Viện iSEE và Mạng lưới Tiên Phong